Chia sẻ
Nghề thủ công tại bản La Pán Tẩn – Nghề nấu rượu thóc
Ngày xuất bản: 09/11/2018 10:06:00 SA
Lượt đọc: 78965

Cách thành phố Yên Bái khoảng 180km, theo quốc lộ 32 du khách đến với Mù Cang Chải - một huyện vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái. Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với những rừng thông thơ mộng, khí hậu mát lành, quanh năm mây phủ, những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng đã đi vào tiềm thức của du khách gần xa mà còn là nơi sản xuất ra một thứ rượu thóc ngon nổi tiếng trong vùng đó là rượu thóc La Pán Tẩn.

Sản phẩm rượu thóc La Pán Tẩn. Ảnh : nguồn Internet

Nghề nấu rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn - Mù Cang Chải có từ lâu đời. Những hạt thóc vàng kết tinh sự cần mẫn và sáng tạo của người Mông chính là nguyên liệu quý để làm ra rượu thóc - một đặc sản riêng có của người Mông nơi đây. Họ có bí quyết để làm men rượu trở nên đặc biệt. Men để làm ra sản phẩm rượu thóc phải là men lá. Không giống với những loại men nấu rư­ợu khác nó đ­ược đặc chế rất công phu, mất nhiều công sức đòi hỏi phải có sự khéo léo, tinh tế thì mới đạt chất lượng. Men lá được đồng bào tổng hợp từ 15 loại cây, hội tụ đủ các vị thảo dư­ợc của núi rừng như­: hạt thảo quả, rễ cây ớt rừng, củ riềng. Nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về. Hiện tại, quá trình sản xuất rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn vẫn hoàn toàn tuân thủ theo phương pháp cổ truyền. Thóc nương sau khi được làm sạch sẽ không xát mà để nguyên vỏ trấu cho vào chảo gang luộc trên bếp lửa từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Khi thóc đã chín sẽ được múc ra cho nguội hẳn rồi rắc men lá trộn đều bỏ vào các thùng. Khoảng hai ba ngày sau, khi các thứ trong thùng chứa bắt đầu lên men thì lại tiếp tục công đoạn ủ từ 7 đến 8 ngày rồi mới cho vào chưng cất thành rượu.

Công đoạn rắc men lá và ủ rượu. Ảnh : nguồn Internet

Cách chưng cất rượu thóc của người Mông nơi đây gần giống với cách chưng cất rượu gạo của người miền xuôi nhưng điểm khác biệt là ở các dụng cụ để chưng cất. Thông thường, người Mông La Pán Tẩn sẽ đặt một chiếc chảo gang có nước lên trên bếp, rồi để một cái chu chớ (giống như cái chõ đồ được đục từ gốc cây gỗ lớn) có đường kính từ 70 - 80cm và chiều cao gần 1 mét lên bên trên chiếc chảo, xung quanh viền bịt kín bằng cám để kín hơi.

Công đoạn chưng cất rượu. Ảnh : nguồn Internet

Bên trong cái chu chớ tiếp tục đặt một cái chá chớ (bằng gỗ) đẽo theo hình cái máng dài thuôn nhỏ một đầu dùng để dẫn rượu ra ngoài. Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong và lửa trong bếp cũng đã được nổi lên, chủ nhà sẽ làm nốt công việc cuối cùng là đặt một cái chảo gang có chứa nước lạnh lên trên cái chu chớ (mục đích để ngưng rượu) rồi cầu khấn trước nồi rượu mong cho được mẻ rượu ngon.

Cứ 50 kg thóc thì chưng cất được khoảng 20 lít rượu. Rượu nấu ra có nồng độ từ 47 đến 50 độ. Tuy có nồng độ cao, nhưng điều đặc biệt là rượu thóc La Pán Tẩn có vị êm say, thơm, ngọt, dễ uống chứ không có vị nồng, đắng như rượu ở một số nơi khác. Rượu không gây đau đầu, say cũng chỉ có cảm giác lâng lâng, đặc biệt càng ủ lâu ngày lại càng thơm ngon hơn…

Trước đây, rượu thóc La Pán Tẩn chỉ để phục vụ cho nhu cầu của các gia đình tại địa phương. Hiện nay, đồng bào người Mông La Pán Tẩn đã phát triển nghề nấu rượu thóc truyền thống này để trở thành hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Rượu thóc mua ở tại xã có giá khoảng 26.000 đồng/lít, nhưng về đến trung tâm huyện thì họ bán giá 35.000 đồng/lít; ra đến thành phố có thời điểm lên tới 50.000 đồng/lít.

Nghề nấu rượu này vẫn được duy trì tại xã với 50% số hộ nấu rượu để sử dụng. Chỉ có 20 hộ nấu rượu để bán cho du khách.

Nghề nấu rượu thóc của đồng bào La Pán Tẩn đã từng bước được phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch. Đã có không ít du khách khi ghé thăm nơi đây đặc biệt có những vị khách là người nước ngoài cũng đã mua rượu thóc La Pán Tẩn mang về như một món quà dành tặng cho bạn bè và người thân. Quý vị và các bạn khi ghé thăm Yên Bái hãy nhớ đến với đồng bào Mông ở xã La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải nhâm nhi một chén rượu thóc để cảm nhận thêm về hương vị độc đáo của loại đặc sản này.

Rượu thành phẩm để bán cho du khách

Có thể nói rằng với uy tín và chất lượng rượu ngon số một trong vùng rượu La Pán Tẩn sẽ ngày càng mở rộng thêm thị trường được nhiều khách hàng biết đến nhiều hơn nữa giúp cho nghề nấu rượu ở La Pán Tẩn thêm phát  triển góp phần xóa đói giảm nghèo và gìn giữ thương hiệu cho loại rượu quý này.

                                                                              Vân Anh

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/